Vampire Attack là gì? Những cỗ máy thu hút thanh khoản trong DeFi

Vampire Attack là gì?

Vampire Attack là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng nền tảng ra đời sau có những chiến lược khuyến khích khéo léo khác nhau để tạo động lực cho các nhà cung cấp thanh khoản trên các nền tảng cũ đang hoạt động trên thị trường chấp nhận chuyển thành khoản của họ sang một nền tảng mới đó.

Cơ chế hoạt động của Vampire Attack

Đây là cơ chế hoạt động đơn giản nhất của Vampire Attack:

  • Bước 1 & 2: Khi người dùng cung cấp token A vào nền tảng A (có thể hiểu là nền tảng ra đời trước) để nhận lại LP token.
  • Bước 3 & 4: Nền tảng B (nền tảng mới ra mắt) sẽ có những chiến lược, chiến sách để khuyến khích người dùng cung cấp các LP token của nền tảng A đó vào dự án của mình với phần thưởng nhận lại chính là token B.

Sau khi kết thúc quá trình Vampire Attack, về mặt lý thuyết, nền tảng mới đã thành công trong việc nâng cao đáng kể một lượng thanh khoản, người dùng cũng như khối lượng giao dịch của nền tảng ra mắt trước đó.

Một số Vampire Attack nổi bật

Sau đây là một số ví dụ về Vampire Attack nổi bật trong thị trường crypto để các bạn có cái nhìn tổng quan nhất về thuật ngữ này.

Uniswap và Sushiswap

Trong thời gian khi mà các dự án DeFi mới xuất hiện khá nhiều mỗi ngày, một dự án mới có tên Sushiswap đã ra mắt.

Sushiswap (fork của Uniswap) nhanh chóng thu hút được nhiều sức hút trong cộng đồng DeFi vì nó nhằm mục đích cạnh tranh trực tiếp với Uniswap bằng cách lấy đi tính thanh khoản bằng một quy trình xác định.

Trong trường hợp của Sushi, các liquidity provider của Uniswap được khuyến khích đặt cược LP token của họ lên Sushiswap, để họ có thể nhận thêm reward được phân phối bằng SUSHI token.

Sushiswap bắt đầu với chiến lược phát hành khá tích cực cho SUSHI token. 1000 SUSHI token trên mỗi khối Ethereum được phân phối cho các liquidity provider của Uniswap trên các pool khác nhau như SNX-ETH, LEND-ETH, YFI-ETH, LINK-ETH.

Ý tưởng DeFi này đã được Yam sử dụng thành công và bây giờ được Sushiswap sử dụng lại.

Các liquidity provider của Uniswap bị thu hút bởi APY cao từ +200 đến 1000%, bắt đầu chuyển ngày càng nhiều LP token của họ sang Sushiswap. Vài giờ sau khi ra mắt, Sushiswap đã đạt TVL lên đến 150 triệu USD.

Nhiều sự kiện xảy ra, quá trình yield farming vẫn tục cho đến khi Binance ra thông báo niêm yết token SUSHI là lúc giá SUSHI đạt mức 15$ cũng như TVL lên đến 1 tỷ USD.

Có thể thấy, Sushiswap rõ ràng là một trong những dự án điển hình nổi bật nhất cho Vampire Attack trong không gian DeFi thuở sơ khai. Hiện tại 2 nền tảng Sushiswap và Uniswap là một trong các nền tảng lớn nằm trong top 5 của lĩnh vực crypto.

OpeaSea và LookRare

OpenSea là một sàn giao dịch các non-fungible token (NFTs). Sàn OpenSea sẽ cho phép người dùng đăng bán, trao đổi và giao dịch những tài sản NFTs. OpenSea được xây dựng và thiết kế gần như phù hợp với xu hướng thị trường hiện tại, tạo một nguồn thanh khoản lớn cho số lượng lớn NFTs trong crypto & cả non-crypto. Trong một khoảng thời gian dài, OpenSea thống trị lĩnh vực NFTs của thị trường crypto.

Còn LooksRare ra đời sau OpenSea. LooksRare là thị trường NFT ưu tiên cộng đồng tích cực thưởng cho các nhà giao dịch, nhà sưu tập và người sáng tạo khi tham gia. LooksRare đã thực thi chương trình airdrop ngay lúc vừa ra mắt (120,000,000 triệu LOOKS chiếm 12% tổng cung LOOKS token) để thu hút người dùng từ OpenSea.

LooksRare cũng áp dụng chiến lược Vampire Attack lên OpenSea, sử dụng chiến lược như Sushiswap từng sử dụng với Uniswap, để thu hút sự chú ý từ cộng đồng người dùng NFTs. Tuy nhiên, LooksRare không dừng lại ở bản “fork” của OpenSea mà còn tiếp tục phát triển thêm nhiều tính năng mới.

Với việc triển khai luôn token LOOKS khi mà OpenSea còn chưa có token, LooksRare giúp cho người dùng (đặc biệt là LOOKS holder) được nhiều quyền lợi hơn so với OpenSea như: Toàn bộ phí giao dịch trên sẽ chia lại cho LOOKS Staker (2% trên mỗi giao dịch NFT), staking LOOKS còn nhận được thêm phần thưởng.

Chính vì những lý do đó, tại thời điểm viết bài này, LooksRare dường như vượt mặt OpenSea về volume lẫn mặt doanh thu của thị trường NFTs.

X2Y2 và OpenSea, LookRare

X2Y2 – một NFTs marketplace thực hiện chiến thuật vampire attack lên anh cả OpenSea bằng các chiến thuật tương tự như LookRare đã làm, là airdrop cho tất cả những ai đã sử dụng OpenSea trước tháng 1 năm 2022 với số lượng lên đến 12% total supply token X2Y2 của mình ~ 120,000,000 X2Y2 token cũng như sau đó X2Y2 có tung chiến lược phần thưởng staking rất cao.

Rút kinh nghiệm từ LookRare, X2Y2 phát airdrop dễ hơn cho mọi người dùng có mua/bán trên nền tảng OpenSea. Trong đợt airdrop của LookRare, chỉ những ví đã giao dịch ít nhất 3 ETH (9.000 USD) trên OpenSea từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 12 năm 2021 mới đủ điều kiện airdrop.

Ngay khi vừa airdrop, X2Y2 trở thành token được giao dịch nhiều nhất trên Uniswap. Token đã tăng vọt từ khoảng 1.14 USD vào ngày 16/2 lên 3,83 USD (theo dữ liệu từ CoinGecko). X2Y2 đã tăng khoảng 74% trong 24 giờ qua.

Việc X2Y2 ra mắt thực hiện vampire attack trong thời điểm OpenSea đang có tin xấu, cũng như LookRare thì có tin tức rằng nhóm phát triển đã rút một lượng WETH lên đến con số khoảng ~70 triệu USD đã làm cộng đồng mất niềm tin. Chính điều đó X2Y2 có lợi thế một NFTs marketplace mới với tokenomics đã được học hỏi và phát triển từ các nền tảng trước đấy làm tiền đề cho X2Y2 vượt mặt cả OpenSea và LookRare trong tương lai gần.

0xDAO và veDAO

veDAO và 0xDAO là hai dự án DAO (tổ chức tự trị phi tập trung) được tạo ra với mục đích cụ thể là nằm trong top 20 có dự án TVL cao nhất trong hệ sinh thái Fantom để được chia đều lượng ve(3,3) từ dự án của Andre. Dẫn tới các chiến lược chung của cả 2 dự án là bootstrap TVL nhanh nhất có thể. Điều này đã dẫn đến sự xuất hiện lại cuộc chiến tranh Vampire Attack.

veDAO ra đời trước, thế lực đằng sau là các KOLs lớn trên hệ Fantom, veDAO đơn giản chỉ là nền tảng farm, trả thưởng cho người dùng dưới dạng token WEVE. Sau 24 giờ kể từ khi ra mắt, veDAO đã thu hút được 1 tỷ USD TVL. Đưa dự án này dễ dàng chạm đến vị trí top 2 về TVL trên hệ sinh thái Fantom.

0xDAO ra đời sau, thế lực đằng sau là liên minh từ các nền tảng nổi tiếng trong hệ như Spookyswap, LiquidDriver, Scream.

Vì nhận thấy sự bất lợi của tokenomics veDAO đối với người dùng, 0xDAO nhanh chóng thực hiện chiến lược Vampire Attack cực kỳ nhanh lên veDAO khuyến khích người dùng migrate (dịch chuyển) token ở veDAO sang định dạng ở 0xDAO.

Với sự hỗ trợ với nhiều tài sản của các dự án như Scream, Tomb, Liquid Driver,… chỉ sau 4 giờ, 0xDAO nhanh chóng giành lại vị thế đứng đầu trên bảng xếp hạng của DefiLlama.

Kết quả 0xDAO đã thực hiện thành công Vampire Attack. Tuy nhiên tới thời điểm thực hiện bài viết, 0xDAO và veDAO đã lần lượt rơi hoàn toàn khỏi top 20 TVL trên Fantom.

Cho tới thời điểm mình đang viết bài, cả 0xDAO và veDAO đã bước vào cuộc chiến veSolid. Trong khi, ra đời sau nhưng 0xDAO nổi bật lên là lãnh đạo của một liên minh khi đi tập hợp các nền tảng khác tham gia vào liên minh của mình, còn veDAO thì tham gia vào một liên minh khác (Solidex) với tư cách là một thành viên.

Nhận định về Vampire Attack

Đều thực hiện các chiến lược vampire attack, tuy nhiên có những trường hợp cả 2 dự án đều tiếp tục tồn tại và phát triển lớn mạnh song song với nhau (Uniswap và Sushiswapp). Có trường hợp dự án đã rút kinh nghiệm từ các mặt chưa tốt của dự án trước để lấy đó làm điểm khác biệt của chính mình (X2Y2 và OpenSea, LookRare). Hay là trường hợp dự án thực hiện vampire attack đã hoàn toàn làm lu mờ dự án trước đó (0xDAO và veDAO)

Đối với góc độ dự án

Từng mảnh ghép của thị trường crypto đều đã và đang có những cái tên quen thuộc và nổi bật. Tuy nhiên thị trường crypto vẫn là thị trường non trẻ còn nhiều dư địa để cải tiến vì thế sẽ còn thu hút rất nhiều nguồn nhân lực xuất sắc ở thị trường truyền thống tham gia và xây dựng lên những dự án và đế chế mới.

Vì thế trên cùng một phân khúc sẽ xuất hiện thêm nhiều dự án mới với các cải tiến sáng tạo để cùng cạnh tranh và phát triển với các dự án cũ.

Vampire Attack sẽ còn và ngày càng được nhiều được triển khai ở nhiều dự án khác với những nước đi sáng tạo hơn, không dừng ở việc farm với APY/APR lớn mà còn có thể nhận về các vật phẩm NFTs có thể sử dụng ở các roadmap sau của dự án, hoặc quyền tham gia vào các dự án của đối tác. Hay là các NFTs đại diện cho các early contributors để nhận về các khoảng airdrop lớn.

Đối với góc độ các đầu tư

Vampire Attack là cơ hội để các nhà đầu tư tham gia kiếm lợi nhuận với các dự án mới vì mục đích của vampire là thu hút thanh khoản từ cộng đồng. Với hy vọng là những người ủng hộ đầu tiên cho dự án sẽ nhận lại được những phần thưởng tương xứng.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn phải đánh giá kỹ về mô hình kinh doanh, đội ngũ dự án,… để tránh các trường hợp các dự án mới lợi dụng cộng đồng của dự án cũ để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt lượng token đang sở hữu của dự án cũ.

Lời kết

Mình hy vọng các nội dung này sẽ giúp các bạn có những thông tin tổng quan về keyword Vampire Attack trong DeFi và một số ví dụ nổi bật của nó. Nếu có thêm ý kiến khác hãy để lại bình luận để đóng góp.

Nguồn: Coin98

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back To Top