Tính ứng dụng của blockchain liên tục xuất hiện khi công nghệ này ngày càng trở nên dễ tiếp cận, chẳng hạn như các ứng dụng nhắn tin dựa trên blockchain dường như sắp được áp dụng đại trà.
Theo một báo cáo từ Grand View Research, thị trường ứng dụng nhắn tin blockchain toàn cầu được dự báo đạt mức định giá 536,5 triệu USD vào năm 2030. Đồng thời nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 43.6% trong khoảng 7 năm.
Vào năm 2021, định giá thị trường cho các ứng dụng nhắn tin blockchain là khoảng 22,2 triệu USD. Vào thời điểm đó, Bắc Mỹ đang thống trị và chiếm thị phần lớn thị trường, với hơn 29% doanh thu toàn cầu. Tuy nhiên, trong giai đoạn được dự báo, khu vực Châu Á Thái Bình Dương dự kiến ghi nhận sự tăng trưởng mạnh.
Báo cáo chỉ ra những lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật là lý do chính khiến người dùng chấp nhận các ứng dụng nhắn tin dựa trên blockchain, bởi các tin nhắn thường được mã hóa đầu cuối và không cần nhà cung cấp dịch vụ bên thứ 3.
Vào ngày 1/2, phiên bản phi tập trung mới của Twitter, được gọi là Damus, đã hoạt động trên App Store. Ứng dụng này sớm được tung hô là “kẻ đánh bại Twitter” và mô tả là “mạng xã hội do người dùng kiểm soát”.
Các dịch vụ nhắn tin hiện có đã và đang đẩy mạnh cuộc chơi về phân quyền. Vào ngày 8/12/2022, Telegram thông báo, sẽ cho phép các tài khoản không cần dùng sim sử dụng số anon-blockchain. Đáng chú ý, thông báo này được đưa ra sau khoảng 1 tuần sau khi người sáng lập Telegram – Pavel Durov cho biết Telegram đang nghiên cứu một bộ công cụ phi tập trung mới để chống lạm dụng quyền lực.
Sự phổ biến của công nghệ blockchain cũng được nhận thấy trong các ngành công nghiệp khác như ngành công nghiệp ô tô. Vào ngày 1/2/2023, Toyota thông báo họ muốn khám phá các tính ứng dụng của blockchain thông qua một tổ chức tự trị phi tập trung DAO để cải thiện khả năng vận hành.
Vài ngày trước, Bộ Phương tiện Cơ giới Bang California – Mỹ tiết lộ, họ có kế hoạch sử dụng Tezos, một blockchain tư nhân để số hóa hệ thống quản lý quyền sở hữu xe hơi của bang.
PCB Tổng hợp