Ứng dụng blockchain để phát hiện hàng giả

Trong kỷ nguyên thương mại điện tử hiện đại, hàng giả đã luôn là một vấn đề nan giải, ảnh hưởng đến cả người dùng và doanh nghiệp. Những sản phẩm như vậy có thể gây hại và thường có chất lượng kém.

Ví dụ, các thiết bị điện tử giả mạo có thể gây hại và dẫn đến điện giật hoặc hỏa hoạn. Một chiếc điện thoại Samsung giả đã được phát hiện là nguyên nhân gây ra cái chết của một người đàn ông ở Malaysia vào năm 2016 sau khi điện thoại di động của anh ta bị nổ trong khi sạc.

Tương tự, thuốc giả là một vấn đề lớn ở các nước đang phát triển. Vào năm 2012, khoảng 100 người đã chết ở Pakistan sau khi uống phải thuốc tim giả. Năm 2017, Hermes đã đệ đơn kiện một cửa hàng trực tuyến vì bán túi Hermes giả, làm tổn hại đến danh tiếng của thương hiệu cao cấp.

Sản phẩm giả mạo làm tổn thương các doanh nghiệp chân chính, làm mất tiền và uy tín của họ. Người tiêu dùng phải nhận thức được vấn đề này và có những nỗ lực thích hợp để tránh mua phải hàng hóa gian lận.

1. Tầm quan trọng của tính minh bạch trong chuỗi cung ứng

Tính minh bạch của chuỗi cung ứng rất cần thiết để ngăn chặn việc lưu hành của các sản phẩm giả mạo. Do đó, các doanh nghiệp phải nỗ lực hành động để bảo vệ thương hiệu và uy tín của mình.

Tính minh bạch của chuỗi cung ứng có vai trò quan trọng vì một số lý do sau:

Kiểm soát chất lượng: Các công ty có thể hiểu rõ hơn về các nhà cung cấp của họ và các thủ tục được sử dụng để sản xuất sản phẩm. Do khả năng phát hiện và giải quyết bất kỳ sai sót hoặc mối quan tâm nào trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp có thể cải thiện kiểm soát chất lượng.

Tính bền vững: Tính minh bạch trong chuỗi cung ứng là yếu tố quan trọng để xác nhận rằng các doanh nghiệp đang hành động có đạo đức và bền vững. Các công ty có thể nhận biết được các khu vực mà họ có thể giảm tác động môi trường và tăng cường điều kiện làm việc của các nhà cung cấp bằng cách theo dõi toàn bộ chuỗi cung ứng.

Niềm tin của khách hàng: Các công ty có thể thể hiện sự cống hiến của họ cho sự bền vững bằng cách tiết lộ chi tiết về nguồn gốc sản phẩm và các quy trình được sử dụng trong quá trình sản xuất.

Quản lý rủi ro: Tính minh bạch của chuỗi cung ứng cho phép các doanh nghiệp phát hiện các mối nguy hiểm có thể xảy ra và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu chúng. Ví dụ: các tổ chức có thể xác định các nhà cung cấp trong các lĩnh vực có rủi ro cao hoặc những nhà cung cấp có hồ sơ theo dõi xấu và thực hiện các bước để giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp này.

Sự tuân thủ: Các công ty có thể đảm bảo rằng họ đang tuân thủ các luật hiện hành và tránh gặp rắc rối với luật pháp bằng cách thiết lập một chuỗi cung ứng minh bạch.

2. Cách công nghệ blockchain giúp phát hiện sản phẩm giả mạo

Blockchain thiết lập một bản ghi bất biến và minh bạch về đường dẫn của sản phẩm từ nhà sản xuất đến người dùng cuối bằng cách ghi lại mọi giao dịch và chuyển động của sản phẩm trên một sổ cái phi tập trung.

Hãy sử dụng chuỗi cung ứng thuốc làm ví dụ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 10 sản phẩm y tế sẽ có một sản phẩm y tế ở các nước đang phát triển là hàng giả, và vấn đề này cũng phổ biến không kém ở các nước phát triển. Bằng cách sử dụng công nghệ blockchain để thiết lập một chuỗi cung ứng an toàn và minh bạch cho các loại thuốc, việc xác định và ngăn chặn việc phân phối thuốc giả sẽ đơn giản hơn.

Mỗi khi một loại thuốc đổi chủ trong chuỗi cung ứng, giao dịch được ghi lại trên blockchain, tạo ra một danh sách giao dịch minh bạch và không thể thay đổi về hành trình của sản phẩm. Băm mật mã được sử dụng để bảo vệ hồ sơ và không ai có thể dễ dàng thay đổi thông tin của hồ sơ.

Hợp đồng thông minh cũng có thể được sử dụng để tự động hóa việc xác minh và xác nhận chuỗi cung ứng, đảm bảo rằng sản phẩm không bị giả mạo. Trong trường hợp phát hiện ra sản phẩm giả, hợp đồng thông minh có thể tự động gửi cảnh báo, cho phép hành động nhanh chóng để ngừng phân phối.

Ví dụ, công ty Chronicled đã phát triển MediLedger, một giải pháp blockchain cho lĩnh vực dược phẩm. MediLedger theo dõi dòng thuốc từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng bằng công nghệ blockchain, tạo ra một bản ghi minh bạch và bất biến của mỗi giao dịch. Với việc phát hiện thuốc giả và loại trừ chúng khỏi chuỗi cung ứng, hệ thống này giúp bảo vệ sự an toàn của bệnh nhân và hiệu quả của thuốc.

Dưới đây là một số bước trong chuỗi cung ứng thuốc dựa trên blockchain có thể được theo dõi để ngăn chặn sự lưu hành của thuốc giả:

Nhà sản xuất: Công ty tạo và đóng gói thuốc cũng ghi lại các chi tiết cụ thể của quy trình đó trên blockchain.

Nhà phân phối: Thuốc sau đó được vận chuyển đến nhà phân phối, ghi lại việc nhận thuốc và dòng dịch chuyển của thuốc trên blockchain.

Nhà bán buôn: Nhà bán buôn thu thập thuốc từ nhà phân phối, kiểm tra tính hợp pháp của thuốc và ghi lại hành trình trên blockchain.

Nhà thuốc: Sau khi nhận được thuốc từ nhà buôn, nhà thuốc sẽ kiểm tra tính hợp pháp của nó và tiếp tục ghi lại chuyển động trên blockchain.

Người dùng cuối: Sau khi thuốc đã được mua, người dùng cuối có thể quét mã QR dựa trên blockchain trên bao bì để xác nhận tính hợp pháp của sản phẩm.

3. Lợi ích của việc sử dụng blockchain để xác thực sản phẩm

Lợi ích của việc sử dụng blockchain để xác thực sản phẩm bao gồm tăng tính minh bạch, bảo mật và truy xuất nguồn gốc của chuỗi cung ứng, có thể giúp ngăn chặn sự lưu hành của các sản phẩm giả mạo.

Vì các bản ghi blockchain là minh bạch và bất biến, có nghĩa là một khi dữ liệu được thêm vào blockchain, nó không thể bị thay đổi hoặc xóa. Điều này làm cho blockchain trở thành một lựa chọn lý tưởng để theo dõi tính xác thực của sản phẩm và đảm bảo rằng nó không bị giả mạo.

Hơn nữa, bằng cách mã hóa dữ liệu và ngăn chặn sự truy cập bất hợp pháp, các phương pháp mật mã được sử dụng trong công nghệ blockchain cung cấp mức độ bảo mật cao. Điều này đảm bảo thông tin được lưu trữ trên blockchain là an toàn và không thể bị thay đổi.

Công nghệ blockchain không bị chi phối bởi một tổ chức duy nhất. Điều này khiến tin tặc khó tấn công và thao túng hệ thống. Ngoài ra, các sản phẩm có thể được theo dõi bằng công nghệ blockchain từ nơi xuất xứ đến điểm tiêu thụ. Tất cả các bên tham gia vào chuỗi cung ứng có thể xem toàn bộ lịch sử của sản phẩm và xác nhận tính hợp pháp của sản phẩm.

Bằng cách tự động hóa quá trình xác thực, công nghệ blockchain làm giảm nhu cầu xác minh thủ công, giải phóng thời gian và tài nguyên. Điều này làm giảm khả năng xảy ra lỗi của con người trong khi tăng hiệu quả chuỗi cung ứng.

Khi được cung cấp một cơ chế minh bạch và an toàn để xác nhận tính hợp pháp của sản phẩm, các doanh nghiệp có thể gia tăng niềm tin của khách hàng bằng cách tận dụng công nghệ blockchain để xác thực sản phẩm. Từ đó, tăng doanh số bán hàng và sự gắn kết của khách hàng với doanh nghiệp.

4. Vai trò của danh tính kỹ thuật số trong việc phát hiện sản phẩm giả

Nhận dạng kỹ thuật số giúp phát hiện sản phẩm giả bằng cách cung cấp danh tính duy nhất, giúp theo dõi chuyển động của sản phẩm dễ dàng hơn thông qua chuỗi cung ứng, do đó ngăn chặn sự lưu hành của các sản phẩm giả mạo.

Nhận dạng kỹ thuật số cung cấp một phương tiện an toàn và đáng tin cậy để xác thực nguồn gốc và quyền sở hữu sản phẩm. Các nhà sản xuất có thể thiết lập hồ sơ xác minh tính hợp lệ của sản phẩm bằng cách đăng ký sản phẩm với danh tính kỹ thuật số riêng của nó.

Vì công nghệ giúp theo dõi và xác nhận tính xác thực của sản phẩm trở nên dễ dàng, hồ sơ này có thể hỗ trợ ngăn chặn sự xâm nhập của hàng giả vào thị trường. Sự dịch chuyển của hàng hóa thông qua chuỗi cung ứng, từ nhà sản xuất đến người dùng cuối cũng có thể được theo dõi bằng cách sử dụng danh tính kỹ thuật số.

Điều này làm tăng khả năng hiển thị và tính minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng, cho phép theo dõi và quản lý hiệu quả hành trình của sản phẩm. Bên cạnh đó có thể nhận biết bất kỳ sự bất thường nào trong chuỗi cung ứng, giúp ngăn chặn sự xâm nhập của hàng giả vào thị trường.

Tiếp tục ví dụ về thuốc giả, hãy hiểu cách nhận dạng kỹ thuật số có thể được sử dụng trong ngành chăm sóc sức khỏe. Đối với mỗi lô thuốc được tạo ra, các công ty dược phẩm có thể xây dựng danh tính kỹ thuật số bao gồm các chi tiết như nhà sản xuất, ngày sản xuất và số sê-ri cụ thể của thuốc.

Một blockchain có thể được sử dụng để lưu trữ danh tính kỹ thuật số này, thiết lập một hồ sơ không thể bị chỉnh sửa về tính hợp lệ của thuốc. Lưu trữ phi tập trung cho phép người dùng lưu trữ thông tin đăng nhập trên thiết bị cá nhân, giúp họ toàn quyền kiểm soát danh tính của mình. Điều này làm khả năng tương tác và chống lại việc bị khóa vào một nền tảng duy nhất.

Trước khi phân phối thuốc cho bệnh nhân, nhà thuốc, bệnh viện và các nhà phân phối chuỗi cung ứng khác có thể sử dụng nhận dạng kỹ thuật số để xác nhận tính hợp pháp của thuốc. Điều này có thể giúp ngăn chặn việc phân phối các loại thuốc giả.

5. Các công ty sử dụng blockchain để xác thực sản phẩm

Walmart

Walmart theo dõi chuỗi cung ứng thực phẩm như xoài ở Mỹ được sử dụng công nghệ blockchain. Walmart có thể theo dõi nguồn gốc của sản phẩm khi nó di chuyển qua chuỗi cung ứng bằng cách sử dụng blockchain.

Everledger

Everledger là một doanh nghiệp sử dụng công nghệ blockchain để cung ứng kim cương và những nguyên vật liệu đắt tiền khác qua danh tính kỹ thuật số. Khách hàng có thể sử dụng nền tảng của họ để kiểm tra nhận dạng kỹ thuật số của viên kim cương, trong đó bao gồm thông tin chi tiết về nguồn gốc, vết cắt và trọng lượng carat để xác nhận tính hợp pháp của kim cương.

Chronicled

Đối với thuốc, hàng xa xỉ và các sản phẩm có giá trị cao khác, Chronicled sử dụng công nghệ blockchain để cung cấp tính xác thực của sản phẩm và tính minh bạch của chuỗi cung ứng. Phần mềm của họ cho phép các doanh nghiệp giám sát toàn bộ chuỗi cung ứng, mang lại cho khách hàng sự an tâm về dịch vụ/sản phẩm.

Provenance

Công nghệ blockchain được Provenance sử dụng để cung cấp tính minh bạch cho chuỗi cung ứng. Phần mềm của họ cho phép các doanh nghiệp theo dõi chuỗi cung ứng đầy đủ của sản phẩm, từ các thành phần thô đến thành phẩm, mang đến cho người tiêu dùng sự minh bạch và xác minh.

6. Những thách thức và hạn chế của xác thực sản phẩm dựa trên blockchain

Mặc dù xác thực sản phẩm dựa trên blockchain có nhiều lợi ích, nhưng cũng có một số thách thức và hạn chế cần được xem xét, bao gồm chi phí triển khai cao, khả năng mở rộng hạn chế và nhu cầu về khả năng tương tác giữa các mạng blockchain.

Phát triển một hệ thống dựa trên blockchain có thể tốn kém và tiêu tốn thêm chi phí liên quan đến việc giảng dạy nhân viên cách sử dụng hệ thống. Khả năng kỹ thuật để tạo và vận hành một hệ thống dựa trên blockchain cũng đem đến một khó khăn khác. Điều này có thể đòi hỏi tính chuyên môn cao và thường khó có được trong một doanh nghiệp.

Một nhược điểm khác là khả năng mở rộng. Kích thước khối của blockchain có thể tăng lên khi nhiều sản phẩm được thêm vào hệ thống, điều này có thể dẫn đến thời gian xử lý lâu hơn và các giao dịch tốn kém hơn. Bên cạnh đó, công nghệ blockchain không được chuẩn hóa có thể gây khó khăn cho việc kết nối với các hệ thống và công nghệ hiện tại.

Quyền riêng tư dữ liệu cũng là một mối quan tâm khi nói đến quy trình xác thực sản phẩm dựa trên blockchain. Các doanh nghiệp phải đảm bảo rằng dữ liệu họ thu thập và lưu trữ tuân thủ tất cả các luật hiện hành về quyền riêng tư.

Một vấn đề khác với xác thực sản phẩm dựa trên blockchain là việc áp dụng và chấp nhận. Công nghệ blockchain vẫn còn trong giai đoạn đầu, một số bên liên quan như các nhà cung cấp, nhà phân phối và khách hàng có thể miễn cưỡng chấp nhận nó.

7. Tiềm năng của công nghệ blockchain trong xác thực sản phẩm

Công nghệ Blockchain đã cho thấy nhiều ứng dụng tiềm năng trong tương lai, bao gồm tương tác với các thiết bị IoT và AI và nhận dạng sản phẩm trong các ngành công nghiệp.

Việc tạo ra các hệ thống dựa trên blockchain tinh vi hơn có thể tương tác với các công nghệ khác như Internet of Things (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) là một hướng đi tiềm năng. Điều này có thể giúp các mặt hàng có thể được theo dõi và xác thực một cách chính xác dọc theo chuỗi cung ứng, giúp giảm nguy cơ gian lận và giả mạo sản phẩm.

Sự phát triển của thị trường phi tập trung là một ứng dụng tiềm năng khác của công nghệ blockchain trong công tác xác thực sản phẩm. Bằng cách loại bỏ các trung gian như ngân hàng hoặc bộ xử lý thanh toán, các thị trường này sẽ sử dụng công nghệ blockchain để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trực tiếp giữa người mua và người bán, từ đó có thể tăng tính minh bạch, giảm chi phí giao dịch và cung cấp cơ sở hạ tầng an toàn và đáng tin cậy hơn.

Quy trình an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc đều có thể được hưởng lợi từ việc sử dụng công nghệ blockchain. Các doanh nghiệp có thể đảm bảo rằng hàng hóa thực phẩm an toàn, có chất lượng cao và tươi sạch bằng cách sử dụng blockchain để theo dõi toàn bộ chuỗi cung ứng. Hơn nữa, công nghệ blockchain có thể được áp dụng để tăng cường tính minh bạch về nguồn gốc và quy trình sản xuất của các sản phẩm, thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và nâng cao giá trị của sản phẩm.

PCB tổng hợp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back To Top