Khi tham gia vào thị trường tiền mã hóa, “Testnet” và “Mainnet” là những từ được nhắc đến rất nhiều. Vậy cụ thể Testnet và Mainet là gì? Người mới cần làm gì để có thể tận dụng được chúng?
Mainnet là gì?
Mainnet (hay còn gọi là mạng chính thức) là thuật ngữ dùng để mô tả việc dữ liệu của giao thức blockchain đã chính thức được ghi lại trên chính blockchain đó. Điều này có nghĩa là, khi một dự án thực hiện mainnet thì dự án đó đã có đồng coin và blockchain nền tảng riêng của mình, chứ không còn phụ thuộc vào blockchain khác nữa.
Ngoài ra, các giao thức được xây dựng trên blockchain nền tảng thứ ba và họ chính thức sao lưu dữ liệu trên Mainnet của Blockchain nền tảng đó, cũng có thể gọi là Mainnet.
Ví dụ điển hình nhất là Chainlink (LINK): ChainLink thực hiện Mainnet trên nền tảng của Ethereum, tức là sau khi mainnet, dữ liệu của giao thức ChainLink sẽ được ghi lại trên chuỗi khối của Ethereum.
Như anh em cũng đã biết, dữ liệu ghi trên blockchain không thể thay đổi được. Vì thế, để tránh tình trạng bị sai lệch, lỗi, bug… các giao thức blockchain cần phải thử nghiệm trước trên một mạng gọi là Testnet.
Testnet là gì?
Testnet (hay mạng thử nghiệm) là môi trường để cho các nhà phát triển của dự án thử nghiệm tất cả các tính năng, bảo mật của giao thức blockchain là an toàn trước khi tiến hành Mainnet.
Vì Testnet là một giai đoạn thử nghiệm, dữ liệu chưa chính thức được lưu lại trên blockchain, nên có thể được thay đổi hoặc chỉnh sửa linh hoạt nếu xuất hiện các lỗi (bug) bảo mật, giao dịch không thành công,…
Tầm quan trọng của Testnet và Mainnet
Đây là 2 bước cực kỳ quan trọng trong khâu cuối cùng của dự án.
Testnet là một cách để các nhà phát triển hoặc cộng đồng dùng thử sản phẩm và phản hồi về trải nghiệm của mình, góp ý phát triển thêm các tính năng hoặc báo cáo lỗi.
Sau khi các lỗi quan trọng được sửa, đó chính là lúc Mainnet ra đời, đồng nghĩa với việc dự án chính thức đưa ra cho cộng đồng sử dụng.
Bắt đầu từ khoảng nửa cuối năm 2020 trở lại đây, Testnet còn đóng một vai trò thú vị khác, đó là giúp dự án tìm ra được người dùng thật sự quan tâm đến sản phẩm, sau đó sẽ airdrop, gửi cho họ một phần thưởng (thường là token dự án) khi tìm ra bug hoặc gửi về những phản hồi có giá trị.
03 bước cơ bản khi làm Testnet
Như ở trên mình đã nói, Testnet hiện đang có vai trò như một mũi tên trúng hai đích, khi vừa có thể khuyến khích người dùng tìm ra lỗi, vừa phân phối token của mình đến những người thật sự muốn đi cùng team. Nên đây là một trong những sự kiện thú vị nhất của bất kỳ dự án nào.
Bước 1: Chuẩn bị ví và nhận faucet testnet
Ở bước này, bạn cần có ví để kết nối với testnet và nhận đồng coin/token thử nghiệm của dự án thông qua faucet testnet.
Tùy vào các mạng lưới chính mà mỗi dự án sẽ yêu cầu các ví khác nhau, ví dụ như ví BEP20 trên mạng BSC, ví SPL trên mạng SPL,…
Bước 2: Trải nghiệm các tính năng
Mỗi dự án đều sẽ có các tính năng khác nhau để anh em trải nghiệm. Do đó, testnet của các dự án cũng sẽ có cách làm khác nhau tùy thuộc vào lĩnh vực của dự án đó:
Nếu là AMM, người dùng có thể Swap, cung cấp thanh khoản trên Testnet.
Nếu là Lending, người dùng có thể gửi tiền vào vay thử, hoặc trở thành người cho vay trên Testnet.
Bước 3: Phản hồi ý kiến
Đây là nhiệm vụ chung của tất cả dự án dành cho người dùng khi testnet. Bao gồm: phản hồi trải nghiệm trong quá trình sử dụng, các lỗi gặp phải hoặc góp ý xây dựng thêm tính năng cho team.
Một điều lưu ý đó là không phải tất cả Testnet đều có thưởng:
Đôi khi dự án sẽ công khai Airdrop cho những người tham gia Testnet. Một số khác sẽ không công khai nhưng vẫn có kế hoạch Airdrop. Phần còn lại sẽ là không có ý định Airdrop.
Do đó bạn cũng đừng hy vọng quá nhiều khi làm Testnet vì đôi khi sẽ làm chúng ta thất vọng.
Mainnet Swap là gì?
Mainnet Swap là quá trình chuyển đổi loại token từ blockchain nền tảng ban đầu sang blockchain chính thức của giao thức.
Ví dụ:
Ban đầu, Band Protocol chạy trên blockchain của Ethereum, nên token hiện tại của Band là BAND-ERC20. Tuy nhiên, Band Protocol sẽ thực hiện mainnet blockchain riêng của họ là BandChain trong tương lai.
Khi Band Chain Mainnet thành công, quá trình Mainnet Swap Token sẽ diễn ra, để swap tất cả các token BAND – ERC20 sang Native BAND chạy trên Band Chain.
Bản chất của việc swap là quy đổi theo tỷ lệ nhất định, thông thường là 1:1. Nếu dự án quy đổi cao hơn hoặc thấp hơn tỷ lệ này đều sẽ ảnh hưởng đến giá token.
Mainnet có làm token tăng giá?
Mainnet là một sự kiện quan trọng của bất kỳ blockchain nào. Tuy nhiên, việc Mainnet ảnh hưởng đến giá token hay không thì thật sự không ai dám đảm bảo 100% cả.
Một thống kê nhanh được thực hiện vào đầu năm 2020 cho thấy rằng:
- Nếu bạn mua ngay vào thời điểm ra Mainnet và nắm giữ 31 ngày, bạn cầm chắc trong tay tấm vé giảm 40% – 60% tài khoản.
- Ngược lại, nếu bạn mua trước thời điểm ấn định ra Mainnet khoảng 62 ngày, bạn có cơ hội tăng 50% – 90% tài khoản của mình.
Đặc biệt, có thể thấy rằng:
Số lãi gain được sẽ phụ thuộc vào vốn hóa (market cap) của đồng token đó. Cụ thể, các token có vốn hóa bé hơn 10 triệu đô là những đồng mang lại mức gain cao nhất.
Tuy nhiên, sự kiện Mainnet của các dự án dần dần cũng không còn quá quan trọng, nên giá token cũng không có ảnh hưởng gì quá lớn. Thậm chí ngay cả khi ra Mainnet, dự án còn chưa có token.
Tổng kết
Kết thúc bài viết mình hy vọng có thể giúp mọi người hiểu hơn về Mainnet, Testnet và ảnh hưởng của nó đến giá của token. Từ đó đưa ra được quyết định đầu tư phù hợp cho riêng bản thân.
Nguồn: Coin98