Trong hành trình phát triển của công nghệ, việc ứng dụng vào đời sống luôn nhanh hơn so với sự ra đời của các khung pháp lý, điều này gây những khó khăn cho công tác quản lý của nhiều quốc gia, có thể nhìn thấy ngay trong lĩnh vực blockchain và quản lý tài sản số tại Việt Nam.
Quản lý tài sản số tại Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg về Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử từ ngày 21/8-/2017, tuy nhiên sau 5 năm Việt Nam vẫn chưa thể ban hành.
Đánh giá về thực trạng này, anh Victor Trần – Luật sư, Giám đốc công ty VLEC lấy làm tiếc khi hiện nay Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tài sản số.
Theo anh Victor, các nhà làm luật đang xếp tài sản số là vật thể lưu giữ dữ liệu và có giá trị. Bên cạnh đó, môi trường pháp lý tại Việt Nam về blockchain và NFT đang nằm ở mức trung bình, dựa trên 3 tiêu chí, đầu tiên là chính sách vĩ mô, thứ hai là văn bản cụ thể và thứ ba là tính thực thi.
Về chính sách vĩ mô hiện đã chứng kiến hết sức rõ ràng. Tuy nhiên, 2 khía cạnh còn lại vẫn chưa được ban hành, điều này khiến cho những rủi ro trong vấn đề tranh chấp khó có thể giải quyết.
Chị Hiền Nguyễn – Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết thêm một số quốc gia khác đã đi trước Việt Nam khá lâu, cụ thể như Campuchia, khi nước này đã dẫn trước về CBDC.
Đồng quan điểm, chị Hồ Thu Lê – Đồng sáng lập, Giám đốc Tài chính TomoChain Lab nhận định khó khăn chung hiện nay của các doanh nghiệp, hay start-up tại Việt Nam nằm ở khâu pháp lý.
“Việt Nam chưa có một bộ quy định cụ thể. Chính điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp phải tiến ra nước ngoài (ví dụ như Singapore) để xây dựng và phát triển công ty”, chị Lê lưu ý.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cần hiểu rõ về blockchain và tài sản số, cũng như tiềm năng đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội. Từ đó để có những hội thảo, chuyên đề, nơi các chuyên gia trong ngành và những nhà làm luật có thể đưa ra một bộ khung cho tiến trình ban hành các quy định.
Chị Hiền Nguyễn chia sẻ thêm về tính ứng dụng của đồng tiền số quốc gia (CBDC) và tiềm năng của nó, tuy nhiên chị đánh giá CBDC là vấn đề phức tạp và là thách thức cho đội ngũ pháp lý của Hiệp hội Blockchain trong thời gian tới.
Việc các sự kiện, hội thảo lớn mang tầm quốc gia được tổ chức thường xuyên cho thấy Chính phủ đang rất quan tâm ủng hộ. Vì vậy vai trò của Hiệp hội ngày càng được thể hiện rõ khi đây chính là cầu nối cho nhiều doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước có thể đóng góp ý kiến.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có số lượng người dùng sở hữu các loại tài sản số hàng đầu thế giới với tỷ lệ 40% người được khảo sát cho biết họ đang sở hữu các đồng tiền điện tử. Tuy nhiên chưa có hành lang pháp lý bảo vệ khiến những rủi ro xung quanh việc nắm giữ các loại tài sản này vẫn luôn tồn tại.
Anh Victor Trần cho rằng người dân và doanh nghiệp có thể làm những việc pháp luật không cấm như sở hữu tài sản số và giao dịch chúng bình thường, nhưng khi có tranh chấp hoặc rủi ro khiến người dùng bị thiệt hại sẽ khó giải quyết, cũng như gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý.
Cơ hội và thách thức của blockchain và tài sản số
Blockchain và tài sản số đã phát triển bùng nổ trong giai đoạn vừa qua, khiến nhiều cơ quan quản lý trên thế giới chưa thể bắt nhịp. Đi kèm với những công nghệ mới là lỗ hổng pháp lý đã tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao hoạt động tích cực.
Theo thống kê của Chainalysis, trong 2 năm qua tổng số tiền thiệt hại do các hacker lên đến gần 5 tỷ USD. Chủ yếu đến từ các vụ tấn công vào không gian DeFi, nơi các cơ quan quản lý chưa tiếp cận được.
Mặc dù thiệt hại không nhỏ nhưng ngành blockchain nói chung vẫn đang phát triển mạnh trên toàn cầu, đặc biệt Việt Nam nổi lên như một ông lớn trong ngành với nhiều công ty đạt giá trị vốn hoá tỷ đô.
Anh Calvin Trần – đại diện sàn giao dịch Binance cho rằng Việt Nam đang có nhiều cơ hội để vượt lên ở lĩnh vực blockchain khi thế hệ trẻ ở đây đều hào hứng và quan tâm đến blockchain. Tuy nhiên, về mặt thách thức vẫn là vấn đề pháp lý.
Hiệp hội Blockchain Việt Nam ra đời với sự cho phép của 7 Bộ cơ quan nhà nước cho thấy sự quan tâm lớn của Chính phủ, bên cạnh việc hợp tác cùng Binance sẽ mở ra những cơ hội lớn và giải quyết nhiều thách thức còn tồn đọng trong tương lai.
Đánh giá sự cần thiết của hành lang pháp lý nhằm giải quyết những thách thức hiện có, chị Hồ Lê nhận định các doanh nghiệp, tổ chức làm sản phẩm cần được bảo vệ trước những rủi ro có thể xảy ra, cũng như để các tổ chức này hoạt động đúng khuôn khổ luật pháp.
Sau nhiều vụ tấn công nghiêm trọng ở không gian DeFi, hiện các hacker rất khó khăn để tẩu tán tài sản khi các sàn giao dịch đang hợp tác để truy vết. Việc này được đánh giá sẽ hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan quản lý, ngăn chặn và truy lùng tội phạm trên không gian mạng. Tuy nhiên ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực quản lý tài sản số vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Chị Hiền Nguyễn cho rằng blockchain đang là vấn đề cấp bách không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều quốc gia đang phát triển, Việt Nam không thể đi chậm so với họ. Bên cạnh đó, Chính phủ rất quan tâm đến tiềm năng và tính ứng dụng blockchain trong lĩnh vực quản lý tài sản số.
“Hiệp hội Blockchain Việt Nam đang tích cực làm việc với các cơ quan Chính phủ, và sẽ báo cáo về các vấn đề nổi cộm của việc ứng dụng blockchain ngay trong tháng 6”, chị Hiền bật mí.
“Pháp luật luôn phải chạy theo xu thế, khi đón đầu được sóng này, Việt Nam có thể thực sự thúc đẩy được quá trình chuyển đổi số hay công dân số”, anh Victor bổ sung.
Dưới góc độ doanh nghiệp làm blockchain, chị Hồ Lê cho biết các công ty như TomoChain rất mong muốn đóng góp công sức nhằm áp dụng công nghệ blockchian rộng rãi tại Việt Nam. Tuy nhiên trước hết cần giáo dục cộng đồng về blockchain, để không hiểu nhầm và đánh đồng blockchain chỉ là tiền điện tử.
Đối với doanh nghiệp, một Hiệp hội như VBA ra đời lúc này là sự cần thiết để đi cùng nhau và phát huy sức mạnh tập thể. “Nếu có tinh thần đó, tôi tin cộng đồng doanh nghiệp sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển chung của ngành blockchain trong nước”, chị Lê kết luận.