Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cảnh báo các Ngân hàng Trung ương có thể mất đi vai trò “mỏ neo tiền tệ” nếu không sớm tiếp cận CBDC.
Theo một đoạn clip được chia sẻ bởi hãng tin Radar trên Twitter, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde cảnh báo các Ngân hàng Trung ương có thể mất đi vai trò “mỏ neo tiền tệ” nếu không nhanh chóng áp dụng các loại tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC). Họ phải thay đổi liên tục để phù hợp với môi trường tài chính mới mở.
“Các Ngân hàng Trung ương cần hiểu rõ vai trò của mình khi đã là một “mỏ neo tiền tệ” cho các Ngân hàng Thương mại trong nhiều năm, nếu không tham gia thử nghiệm và đổi mới với CBDC, chúng ta sẽ mất đi vai trò đó, dẫn các cuộc khủng hoảng liên tiếp xảy ra”, bà Lagarde tuyên bố.
Trước đó vào tháng Một, thành viên khác của Ban điều hành ECB, ông Fabio Panetta cũng có bài viết về sự cần thiết của các quy định đối với tiền mã hóa và áp dụng CBDC, ông đã đề cập đến vai trò “mỏ neo tiền tệ” quan trọng của các Ngân hàng Trung ương.
Trong khi EU vẫn chưa bắt đầu chương trình CBDC chính thức cho toàn khu vực, nhiều quốc gia khác đã tiến hành các thử nghiệm mới.
Một trong những dự án CBDC thành công nhất hiện nay thuộc về Trung Quốc. Kết quả này mang đến bất ngờ khi quốc gia này vẫn luôn giữ thái độ gay gắt với tiền mã hóa. Tháng 1/2022, Trung Quốc chính thức khởi động giai đoạn thử nghiệm đồng Nhân dân tệ số (e-CNY) trên 26 tỉnh thành.
Mặc dù chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng CBDC Trung Quốc đã chứng minh được thành công ban đầu, do chính quyền đã có những biện pháp mạnh mẽ thúc đẩy áp dụng CBDC hiệu quả như cung cấp các phiếu giảm giá mua hàng bằng e-CNY, thêm chức năng lì xì bằng e-CNY vào dịp Tết Nguyên Đán, chấp nhận thanh toán e-CNY bởi Wechat …
Trong khi đó, ở Nigeria người dân chỉ mới chấp nhận sử dụng đồng CBDC e-Naira thời gian gần đây do tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng ở quốc gia này. Dù đã được triển khai 18 tháng nhưng đồng e-Naira vẫn bị phần lớn người dân từ chối sử dụng.
Nhiều quốc gia khác trên thế giới, như Ấn Độ, Nga, Úc, Thụy Điển, Nhật Bản, Brazil, Mexico, … cũng đang có kế hoạch khởi động hoặc đã khởi động các dự án CBDC.
Các công ty thanh toán lớn trên thế giới đã thể hiện thái độ tích cực với CBDC. CEO Visa, ông Alfred Kelly đã phát biểu tại cuộc họp thường niên của công ty rằng: “CBDC và stablecoin sẽ đóng một vai trò thiết yếu trong tương lai của ngành tài chính”, và họ đang thử nghiệm một số sáng kiến CBDC và stablecoin.
Ngoài ra có nhiều suy đoán về tình trạng hỗn loạn ngành ngân hàng gần đây ở Mỹ đã đề cao vai trò CBDC lên mức độ mới. Nhiều người cho rằng tình trạng hỗn loạn được tạo ra một cách có chủ đích để củng cố lập trường chính trị cho CBDC.
PCB Tổng hợp